Vincent Van Gogh, cuốn sách đẹp gợi nhớ bao kỷ niệm

Mình vẫn nhớ cảm giác choáng ngợp khi lần đầu tiên được ngắm những kiệt tác nghệ thuật trong bảo tàng Louvre. Vốn là kẻ hoàn toàn ngoại đạo về hội hoạ, nhưng đứng trước cái đẹp, thực sự không thể không mềm lòng, không khỏi sững sờ. Tranh ảnh được nhìn tận mắt, nó có hồn phách, gợi câu chuyện, khác lắm lắm với những bức ảnh in trên giấy hay những bức tranh chép (chất lượng thấp) vô hồn.

Orsay là bảo tàng nghệ thuật mình thích nhất ở Paris. Minh phải lòng ngay bức tranh Đêm đầy sao trên sông Rhone của Van Gogh. Những vì sao màu vàng trên nền xanh cứ nhấp nháy, như gợi lên những điều đẹp đẽ, niềm tin hy vọng,… Không thể giải thích vì sao lại thích, chỉ biết rằng mỗi khi vào Orsay, mình đều tìm đến bức tranh này, nó được treo ở bức vách giữa căn phòng, mình đứng cách ra một khoảng, và lặng lẽ ngắm nhìn. Thường thì xung quanh mình có rất nhiều người, nhưng đa số mọi người cũng đều đứng cách ra một khoảng như thế, không có chen lấn, chỉ có sự ngưỡng mộ mà thôi. “Bây giờ, anh rất muốn vẽ một bầu trời sao. Anh luôn có cảm giác rằng ban đêm vẫn có màu sắc phong phú hơn ban ngày. Đó là những sắc tím, sắc xanh dương, sắc xanh lá cây mạnh mẽ nhất. Nếu chú ý, em sẽ thấy rằng một số ngôi sao có màu vàng chanh, một số khác có ánh hồng, xanh lá, xanh dương, màu lam tím. Và hiển nhiên là để vẽ một bầu trời sao, chỉ đặt những dấu chấm trắng trên nền xanh đen là không đủ chút nào.”

Starry Night Over the Rhone, Musée d’Orsay

Mỗi khi đứng trong quầy lưu niệm của các bảo tàng, lại thích mê với những cuốn sách đẹp đẽ, đầy thông tin giới thiệu về các nghệ sĩ. Thật bất ngờ và vui vô cùng vì dịp này nhận được món quà chính là một cuốn sách như vậy – ấn bản tiếng Việt của cuốn Vincent Van Gogh, một trong những cuốn hội hoạ của Larousse. Omega+ đã rất chăm chút cho cuốn sách, giấy in đẹp, bản dịch công phu, lại có hộp quà tặng đóng gói rất trang trọng. Mình đã gặp lại Starry Night như vậy đấy.

Mở từng trang sách là bao kỷ niệm ùa về. Những bài viết về cuộc đời ngắn ngủi của Van Gogh, những bức thư của nhà danh hoạ với người em Théo mình đều đã từng được biết. Mình như quay lại buổi đi thăm bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam cùng với em gái Minh Bông, hai chị em cũng đứng mãi trước bức tường to ghi lại các dấu mốc cuộc đời của Van Gogh, rồi đi từng tủ kính xem những bức thư của hai anh em gửi cho nhau.

Mình cũng gặp lại bức tranh Hoa hạnh nhân (Almond blossom), bức tranh mà mình cứ nấn ná ngắm mãi trước khi rời khỏi bảo tàng Van Gogh. Tác phẩm được thành hình khi nhà danh hoạ nghe tin về sự ra đời của một em bé nhà Théo, nó như một mùa xuân dịu dàng trong sáng. Mình đã từng tiếc rẻ mãi vì không mua lấy một ấn phẩm bản in của bức tranh này tại bảo tàng ở Ams. “Không phải ngẫu nhiên mà Van Gogh đã chọn hoạ tiết cây hạnh nhân nở hoa để chào đón sinh linh nhỏ mới ra đời này. Cây này là dấu hiệu đầu tiên của mùa xuân ở Provence, báo hiệu rằng tất cả đã hồi sinh, rằng mọi thứ đều có thể…. Ở đây, các nhánh cây dang rộng xâm chiếm toàn bộ bề mặt bức tranh cho thấy sự từ chối chủ nghĩa tự nhiên: những bông hoa trước hết là sự trang hoàng cho hạnh phúc, do đó mà chúng kết thành những tràng hoa lấp lánh.”

Tái hiện lại khung cảnh bức Quán cà phê đêm, trong một atelier về Van Gogh trong công viên Keukenhoff, Hà Lan

Trong cuốn sách cũng có những lời giởi thiệu trang trọng cho những tác phẩm bất hủ khác của Van Gogh: Cánh đồng nho đỏ, Cối xay gió, Hoa hướng dương, Hoa diên vĩ, Quán cà phê đêm, đồng lúa mì, Ngôi nhà màu vàng, Chân dung tự hoạ, … Có cả Starry Night – bức đang được trưng bày ở New York – mà đã hơn 2 lần mình bị thất lạc post card về hình ảnh này gửi từ Mỹ về. Đó là một thế giới “kỳ lạ và đầy day dứt” của Vincent Van Gogh. Qua 45 kiệt tác nổi bật nhất của nhà danh hoạ, tác giả đã cho chúng ta thấy Van Gogh là một nghệ sĩ phi thường đến thế nào.

Tầng trên là Auberge Ravoux, tầng dưới là nhà hàng – quán rượu, vẫn được giữ gìn như ngày nào.

Và đặc biệt là những bức tranh cuối đời của Van Gogh ở ngôi làng Auvers-sur-Oise. Nó đưa mình quay trở lại một ngày hè thật đẹp với những người bạn cũng thật đẹp, bọn mình đã cùng nhau đi về ngôi làng này, đặt chân vào đúng căn phòng mà Van Gogh đã ở những ngày cuối cùng, ngồi uống cafe ở quán nơi ông đã từng ngồi,… Căn phòng trong Auberge Ravoux vẫn được bày trí như ngày xưa, vẫn chiếc giường chiếc ghế y hệt như trong tranh ông vẽ. Khi vào căn phòng đó mình đã có cảm giác nín thở, cảm giác như cái gì đó đã ngừng trôi, cảm thấy hơi thở của thời gian… Theo bước chân Van Gogh và những bức tranh của ông, bọn mình đã đi ra nhà thờ Auvers – vẫn nguyên trạng như ngày xưa; đi ra lâu đài Auvers với rất nhiều hoa diên vĩ. Và bọn mình cũng đi ra khu cánh đồng, tới nghĩa trang, ở một góc nhỏ nơi đó, Vincent Van Gogh và người em thân thiết Théodore Van Gogh của mình đã bên nhau đến vĩnh hằng.

“Đối diện với tác phẩm phi thường này, người xem cảm thấy một ấn tượng lạ lùng vì không được tự do ngắm nhìn, họ buộc phải quan sát qua đôi mắt của người khác, một đôi mắt cuồng nhiệt sục sôi, vượt ra ngoài hiện thực vật chất, tìm kiếm một sự giải thoát bất khả thi khỏi tính ngẫu nhiên.”

Cuốn sách không chỉ có tranh, những phân tích nghệ thuật rất đáng để học hỏi, lại được viết với ngôn ngữ đơn giản dễ hiểu phù hợp với những kẻ ngoại đạo như mình. Tác giả cuốn sách, Gérard Denizeau là nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật người Pháp, đã viết nhiều sách về mỹ thuật và âm nhạc, góp phần cho sự bảo tồn di sản quý báu của nước Pháp và thế giới. Đây là cuốn thứ nhất trong bộ 3 cuốn sách đẹp như mơ mà cuốn nào cũng giá trị, mang đến thật nhiều niềm vui và hoài niệm.

Bộ danh hoạ thế giới, thuộc tủ sách nghệ thuật của Omega+ và được mua bản quyền từ NXB Larousse danh tiếng của Pháp.

PS. Thông tin về bộ sách ở đây.

Leave a comment